Nâng tầm sáng tạo, trải nghiệm đa giác quan
Trong suốt nhiều thế kỷ, sân khấu biểu diễn vẫn giữ nguyên khuôn khổ vật lý quen thuộc: không gian cố định, cảnh trí hữu hình và tương tác trực tiếp giữa nghệ sĩ và khán giả. Trên sàn diễn là những phông nền, bục bệ, trang trí mang tính ước lệ… Giờ đây, nhờ vào sự phát triển vượt bậc của công nghệ, bức tranh ấy đã hoàn toàn đổi khác.
Sân khấu đang bước vào kỷ nguyên của tương tác đa chiều và những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Những cảnh trí phức tạp, hoành tráng nhất có thể được tái hiện một cách sống động, chân thực không cần đến sự cồng kềnh của đạo cụ. Một trận thủy chiến với hàng nghìn binh lính, một cơn bão táp dữ dội hay khu rừng cổ tích đầy mê hoặc đều có thể hiển hiện chỉ bằng một nút chạm. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí, thời gian mà còn mang lại tính linh hoạt cao cho việc thay đổi bối cảnh.

Các vở diễn không còn bị giới hạn bởi không gian vật lý hay số lượng diễn viên. Nhiều tích truyện lịch sử hào hùng hay thần thoại kỳ bí, vốn khó hình dung trên sân khấu xưa, được kể lại một cách đa chiều, sống động, trực quan… giúp khán giả, đặc biệt là thế hệ gen Z, dễ dàng tiếp cận, thẩm thấu giá trị văn hóa, lịch sử một cách sâu sắc và đầy hứng khởi.
Công nghệ hiện đại đã trở thành công cụ tuyệt vời để vượt qua giới hạn thực tế, thể hiện hết sáng tạo của nghệ sĩ, đồng thời khuyến khích thử nghiệm và phá cách trong các hình thức biểu diễn. Trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ vào biểu diễn nghệ thuật đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược. Điển hình như vở nhạc kịch "Frozen" trên sân khấu Broadway (Mỹ) đã sử dụng công nghệ Led và mapping, biến hóa cảnh quan từ cung điện băng giá đến khu rừng tuyết phủ, tạo nên những hiệu ứng thần kỳ, sống động như bước ra từ phim hoạt hình. Hay tại châu Á, các ca sĩ ảo bằng công nghệ hologram đã càn quét làng giải trí với hàng loạt buổi hòa nhạc cháy vé, minh chứng cho sức hút không thể cưỡng lại của công nghệ trong việc tạo ra những trải nghiệm giải trí hoàn toàn mới.

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, hầu hết các nước phát triển đã ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật xiếc nói riêng. Các chương trình xiếc được đầu tư như những vở diễn sân khấu đích thực, có nội dung cốt truyện, nhân vật, tính kịch mà vẫn giữ vững trình độ kỹ thuật xiếc đỉnh cao. Họ sử dụng công nghệ tự động, lập trình cho sân khấu biểu diễn theo kịch bản, ánh sáng hiện đại đem lại hiệu quả thẩm mỹ vượt trội, tạo bất ngờ và ấn tượng mạnh mẽ. Khi được hỗ trợ như vậy, nghệ thuật sẽ được nâng tầm, mà xiếc truyền thống khó đạt được.
Mở ra cơ hội chinh phục khán giả và vươn tầm quốc tế
Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật biểu diễn đang tạo nên những hiệu ứng tích cực. TS. Phạm Việt Hà, Vụ Khoa học, Công nghệ, Đào tạo và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, những năm gần đây, đặc biệt là sau Covid-19, nhiều thói quen trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật đã thay đổi. Công nghệ 4.0 từng bước được ứng dụng vào hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tập trung nhiều ở thành phố lớn, khu vui chơi, giải trí công nghệ cao.
Một số nhà hát đã tích hợp màn hình Led, công nghệ trình chiếu 3D mapping, kỹ xảo ánh sáng để tạo hiệu ứng thị giác trong các chương trình biểu diễn. Một số chương trình thiếu nhi, kịch nói, nghệ thuật thể nghiệm của Nhà hát Tuổi trẻ đã sử dụng máy chiếu công suất lớn để tăng hiệu ứng hình ảnh. Nhiều đạo diễn trẻ còn thử nghiệm phần mềm thiết kế sân khấu 3D trong giai đoạn tiền kỳ, góp phần tối ưu hóa thiết kế bối cảnh…
Không ít nghệ sĩ trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, múa, sân khấu đã sử dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) để sáng tạo sản phẩm biểu diễn độc đáo, có khả năng tương tác với khán giả. Gần đây, các chương trình âm nhạc lớn như "Anh trai say hi" hay "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã mang tới bữa tiệc nghệ thuật, với màn hình Led khổng lồ trình chiếu hình ảnh sắc nét, hiệu ứng đồ họa 3D sống động, hệ thống ánh sáng hòa quyện với từng nốt nhạc; sân khấu biến hóa linh hoạt, cho phép thay đổi cấu trúc liên tục, mang lại bất ngờ và đa dạng cho từng tiết mục.
Những dự án sân khấu thực cảnh quy mô lớn như "Tinh hoa Bắc Bộ", "Ký ức Hội An"... cũng là minh chứng sống động cho thành công của việc kết hợp nghệ thuật truyền thống với công nghệ biểu diễn. Hàng trăm diễn viên cùng với ánh sáng, âm thanh, hiệu ứng nước và 3D mapping đã tái hiện lịch sử, không gian văn hóa một cách hoành tráng và đầy cảm xúc.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các nền tảng số cho phép các tác phẩm sân khấu truyền thống được livestream, phát trực tuyến, tiếp cận khán giả toàn cầu, thông qua các kênh mà giới trẻ thường xuyên sử dụng. Không gian internet còn là công cụ giúp các tổ chức nghệ thuật phân tích dữ liệu khán giả hiệu quả, từ đó thấu hiểu sở thích và nhu cầu, để điều chỉnh nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng biểu diễn.
Công nghệ đang mở ra cơ hội giúp nghệ thuật biểu diễn Việt Nam chinh phục khán giả trong nước và vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, còn có không ít rào cản để phát huy hết tiềm năng to lớn trong lĩnh vực này.
(Nguồn: Theo Báo Đại bểu nhân dân)