SharePoint

Công bố chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh năm 2021

08/08/2022 17:11
CĐS- Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021 của các bộ, tỉnh vừa được Bộ TT&TT công bố sáng 8/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp thứ 8/17 trong bảng vị trí với giá trị 0,4545 tăng 0,16 với năm 2020.

Sáng 8/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban và các Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia.


Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số vừa họp phiên thứ 3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Phạm Hải)
 

Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điểm cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có sự tham dự của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cùng đại diện các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tại phiên họp, Bộ TT&TT đã công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021. Việc xác định chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI cấp bộ, tỉnh và quốc gia là nhằm theo dõi, đánh giá một cách thực chất và công bằng kết quả chuyển đổi số hằng năm của các bộ, ngành, địa phương và quốc gia cùng các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo báo cáo vừa được công bố của Bộ TT&TT, so với năm 2020 giá trị DTI 2021 cấp bộ cung cấp DVC tăng khoảng 15,4%, giá trị DTI 2021 cấp bộ không cung cấp DVC giảm không đáng kể vì năm nay có thêm 02 cơ quan lần đầu tiên tham gia đánh giá DTI gồm Viện Hàn lâm KHXHVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới ở giai đoạn bắt đầu chuyển đổi số.

Giá trị DTI 2021 cấp tỉnh có mức tăng đáng kể nhất khoảng 32,7% trong đó có 12/89 bộ, tỉnh (6 bộ và 6 tỉnh) có giá trị DTI 2021 đạt từ 0,5 trở lên, chiếm 13,48%. Kết quả này phản ánh quá trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 vẫn ở giai đoạn đầu, chưa có sự bứt phá lớn.

Kết quả đánh giá với từng nhóm đối tượng cho thấy, trong 17 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, Bộ Tài chính duy trì vị trí đứng đầu với giá trị 0,6321, tăng 0,13 so với so với năm 2020 là 0,4944. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng tăng 1 bậc, vươn lên xếp vị trí thứ 2 và thứ 3 trên bảng xếp hạng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với giá trị 0,4545 tăng 0,16 so với năm 2020 là 0,2909 xếp thứ 8/17 trong bảng vị trí.

Top 10 đứng đầu về DTI 2021 cấp bộ gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nội vụ.


Bảng xếp hạng DTI 2021 của các bộ cung cấp dịch vụ công

 

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đứng đầu về DTI của các bộ không cung cấp DVC với giá trị 0,4736 tăng 66,29% so với năm 2020 (0,2848). 04 bộ không thực hiện đánh giá do đặc thù gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ và Bộ Ngoại giao.


 

TP. Đà Nẵng lần thứ hai liên tiếp xếp vị trí thứ nhất về DTI cấp tỉnh với giá trị 0,6419. Top 10 tỉnh/TP đứng đầu về DTI 2021 gồm: TP. Đà Nẵng; Thừa Thiên - Huế; TP. Hồ Chí Minh; Bắc Ninh; Lạng Sơn; Ninh Bình; Quảng Ninh; Thái Nguyên; Bình Phước; Bắc Giang.


Top 10 tỉnh dẫn đầu cung cấp dịch vụ công

Từ kết quả đánh giá DTI 2021, Bộ TT&TT cho biết, chỉ số trung bình DTI của các bộ, tỉnh còn thấp, do đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt dành nguồn lực chuyển đổi số để đạt được những mục tiêu đến năm 2025.

Các bộ, ngành, địa phương cũng được khuyến nghị cần theo dõi sát sao mức độ chuyển đổi số của mình qua đánh giá DTI hằng năm để có những giải pháp thúc đẩy phù hợp, khắc phục hạn chế, không chạy theo phong trào. Căn cứ DTI cấp bộ, cấp tỉnh, các bộ, ngành, địa phương có thể xây dựng DTI các cấp trực thuộc để có thể theo dõi, đánh giá DTI các cấp quản lý của mình từ đó có đôn đốc, thúc đẩy kịp thời.

Đây là lần thứ 2 Bộ TT&TT tổ chức xác định và công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. So với lần đánh giá đầu tiên, bộ tiêu chí đánh giá đã được cập nhật, bám sát hơn với chương trình chuyển đổi số quốc gia và các chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, DTI cấp bộ chia thành 2 nhóm DTI cấp bộ cung cấp dịch vụ công và DTI cấp bộ không cung cấp dịch vụ công gồm 6 chỉ số chính và 70 chỉ số thành phần. DTI cấp tỉnh gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. 9 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động, trong đó nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 5 chỉ số chính: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số và An toàn thông tin mạng; Nhóm chỉ số về hoạt động gồm 1 chỉ số về Hoạt động chuyển đổi số.

Trong năm đầu tiên Bộ TT&TT công bố kết quả đánh giá chuyển đổi số của các bộ, tỉnh, chỉ số DTI năm 2020 trung bình của các bộ cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,3982, các bộ không cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,2342 và chỉ số DTI năm 2020 trung bình của cấp tỉnh là 0,3026.

Kết quả đánh giá chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2020 cũng cho thấy, ở nhóm 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, 3 cơ quan dẫn đầu là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ KH&ĐT. Với 7 bộ, ngành không có dịch vụ công, 3 vị trí đầu lần lượt thuộc về Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.

Còn ở cấp tỉnh, thành phố, top 5 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số trong năm 2020 lần lượt là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP.HCM.

Tuấn Minh

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây