SharePoint

Thừa Thiên Huế: Chuyển đổi số - đòn bẩy thúc đẩy du lịch

19/10/2023 16:23
CĐS- Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch để mang lại cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.

Thừa Thiên Huế: Chuyển đổi số - đòn bẩy thúc đẩy du lịch - Ảnh 1.Công nghệ hỗ trợ và phục vụ nhu cầu của nhiều du khách

Để chuyển đổi số mạnh mẽ

Lần đầu trải nghiệm tại Bảo tàng 3D (Sống Platform) ở Huế, nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước bày tỏ sự bất ngờ pha lẫn thích thú. Ông Đỗ Quang Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Typic Việt chia sẻ: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành du lịch. Tôi đã đi nhiều bảo tàng nhưng có thể thấy bảo tàng số này của Huế rất đặc biệt, tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị”.

Thời gian qua, ngành du lịch Cố đô tập trung vào các nền tảng, giải pháp để quản lý thông minh trong bối cảnh 4.0; xây dựng các tiện ích phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ và thanh toán không dùng tiền mặt… Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, như: thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping… cũng được phát triển mạnh để giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, ngành đã triển khai việc thu thập, điều tra và công bố các bộ dữ liệu chuyên ngành du lịch trên cổng dữ liệu mở của tỉnh. Mới đây (ngày 9/10), Sở Du lịch vừa gửi công văn đề nghị các doanh nghiệp du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh phối hợp cung cấp thông tin điều tra, số hóa để cung cấp dữ liệu mở trong ngành du lịch.

Thực tế là từ năm 2017, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã bắt tay vào nghiên cứu và viết đề án Xây dựng Hệ sinh thái du lịch thông minh, với mong muốn từng bước triển khai du lịch thông minh tại tỉnh nhà. Đây là bước đi đầu tiên của chuyển đổi số trong ngành du lịch Huế. Tiếp đến là những mô hình triển khai thử nghiệm, như: thực tế ảo, thuyết minh tự động tại các điểm di tích, số hóa di sản, vé điện tử, thẻ du lịch thông minh… Tuy đạt được nhiều thành tựu song vẫn còn tại không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp du lịch ở Thừa Thiên Huế là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nên việc vận động họ có những đầu tư ban đầu để số hóa và cập nhật các dữ liệu theo hướng dẫn của Sở Du lịch vẫn còn khó khăn. Cái khó nhất hiện nay là chưa liên thông với một số ngành. Nếu có được sự đồng thuận để liên thông về mặt số liệu, giúp cho ngành du lịch quản lý, nắm được số liệu tốt hơn thì thông qua đó có thể nắm được các xu hướng, thị trường khách để có những định hướng, kế hoạch xúc tiến, quảng bá, hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng phát triển các sản phẩm.

Tại một hội nghị liên quan, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, không riêng gì Huế, chuyển đổi số là cơ hội, nhưng đó cũng là thách thức của tất cả các điểm đến. Tuy nhiên, chuyển đổi số hiện nay còn gặp phải những khó khăn, thách thức về nguồn lực hạn chế gây cản trở quá trình này, sản phẩm còn độc lập và phân tán, quy mô chưa đủ lớn dẫn đến sức ảnh hưởng chưa cao.

Thừa Thiên Huế: Chuyển đổi số - đòn bẩy thúc đẩy du lịch - Ảnh 2.Các cơ sở lưu trú cũng đang triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ

Đồng bộ nhiều giải pháp

Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự quyết liệt của các cấp, cùng ý thức, trách nhiệm cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương. Chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá...

Trước xu thế chuyển đổi số, ngành du lịch địa phương và các đơn vị doanh nghiệp về du lịch cần nỗ lực phối hợp để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về du lịch; Hệ thống kết nối liên thông thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ du lịch an toàn và thông minh. Bên cạnh đó, cần xây dựng và nhân rộng các sản phẩm thông minh giúp đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Ông Phúc chia sẻ, vừa qua Sở Du lịch đã kết nối với một đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp lưu trú từ dưới 3 sao hoặc các homestay cung cấp miễn phí phần mềm và miễn phí năm đầu sử dụng phần mềm này. Đây bước đầu để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có điều kiện số hóa thông tin, dữ liệu và liên thông với dữ liệu chung của ngành du lịch tỉnh. Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương, các sở, ban, ngành và đặc biệt là với các doanh nghiệp để cập nhật và hoàn thiện, số hóa các cơ sở dữ liệu liên quan đến cơ sở lưu trú, điểm đến, các tour, tuyến tham quan. Đồng thời, sẽ liên kết với các đối tác về công nghệ thông tin, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để làm thế nào liên thông, có các giải pháp để chuyển tải các số liệu, các thông tin đến các đơn vị lữ hành, cộng đồng du khách và tiếp nhận các phản hồi, góp ý của doanh nghiệp lữ hành, du khách để hoàn thiện lại các sản phẩm.

Ngoài ra, với định hướng là quảng bá Thừa Thiên Huế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, kinh đô ẩm thực, kinh đô áo dài thì Sở cũng đang phối hợp với một số đối tác để số hóa 3D một số món ẩm thực của Huế và xây dựng một số video clip hay thu ghi âm lại phần trình diễn, hướng dẫn các món ẩm thực của các nghệ nhân. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đang phối hợp một số đối tác để triển khai truyền thông trên các nền tảng số, nhất là kết nối với các kênh quảng bá trong và ngoài nước để đưa hình ảnh, thông tin của điểm đến Thừa Thiên Huế rộng hơn, sâu hơn, hiệu quả hơn ra các tỉnh, thành trong nước và quốc tế.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây