SharePoint

Phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ CNTT với dự án Xây trục liên thông văn bản quốc gia

09/06/2018 11:07
(TTCNTT) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ CNTT đối với dự án “Xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia” có tổng dự toán thuê dịch vụ dự kiến là 35 tỷ đồng và thời gian thuê từ 2019-2023.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai dự án “Xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia”, Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho hay, tại Việt Nam, thực hiện các quyết định về Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các kế hoạch, chương trình quốc gia ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã tích cực triển khai công tác ứng dụng CNTT của cơ quan mình nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành, chất lượng của việc cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

Trong công tác quản lý điều hành tại các cơ quan nhà nước, việc ứng dụng CNTT cũng rất đa dang với mong muốn là tiến tới hiện thực văn phòng điện tử không giấy tờ, hướng tới kết quả trực tiếp thu được là tiết kiệm thời gian và chi phí. Hiện nay, 100% các cơ quan cấp Bộ và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại nhiều cơ quan đã bước đầu gặt hái được những thành công.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VPCP, các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các Bộ, tỉnh hiên chưa được kết nối với nhau để có thể trao đổi văn bản điện tử. Đồng thời, hiện vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, tỉnh còn chưa triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Do đó, việc trao đổi văn bản điện tử chủ yếu được thực hiện trong nội bộ hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các cơ quan và việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước không cùng thuộc trong một hệ thống quản lý văn bản và điều hành còn rất hạn chế.

Lý giải nguyên nhân chính của hiện trạng nêu trên là do các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương được triển khai trên nhiều nền ttangr kỹ thuật công nghệ khác nhau, phát triển trên các hệ điều hành khác nhau, VPCP nhận định, việc xây dựng Trục liên thông các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc (Trục liên thông văn bản quốc gia) có chức năng kết nối, liên thông kết nối các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương là hết sức cần thiết.

“Điều này sẽ giúp Chính phủ giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước hàng năm, góp phần hỗ trợ thay đổi tác phong làm việc từ nền hành chính dựa trên văn bản giấy sang nền hành chính văn bản điện tử. Đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, báo cáo của VPCP cho hay.

Tại Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, Chính phủ đã giao VPCP chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản; tổ chức triển khai quản lý văn bản đối với các cơ quan chưa có hoặc đã có nhưng chưa đáp ứng yêu cầu liên thông.

Chia sẻ về kế hoạch xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia, Văn phòng Chính phủ nêu, Trục liên thông văn bản quốc gia được triển khai, xây dưng trong giai đoạn trước mắt bảo đảm kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương, được thiết kế mở theo lộ trình phát triển Chính phủ điện tử tại Văn phòng Chính phủ thực hiện kết nối, liên thông với các hệ thống: Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Thủ tục hành chính, Phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, hệ thống Công báo điện tử, hệ thống quản lý CSDL theo dõi các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, đánh giá thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính… Như vậy, đây là hệ thống được thiết kế định hướng là một hệ thống kết nối, liên thông với các CSDL quốc gia và các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương, vì vậy cần thiết  đánh giá tính hiệu quả giữa phương án đầu tư và phương án thuê dịch vụ CNTT.

Cụ thể, đối với phương án đầu tư, việc triển khai dự án được thực hiện theo yêu cầu cụ thể của bài toán, được thực hiện theo các điều khoản cụ thể và thời gian được ký kết trong hợp đồng; việc nâng cấp, phát triển theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng các dự án mới. Đối với thuê dịch vụ CNTT, việc nâng cấp phát triển được thực hiện theo nhu cầu của chủ trì thuê dịch vụ; việc triển khai thực hiện sẽ được phân kỳ theo từng năm (thuê dịch vụ CNTT được thực hiện tối thiểu từ 3-5 năm).

Ngoài ra, để đảm bảo vận hành hệ thống một cách hiệu quả, kịp thời khắc phục được các sự cố khi xảy ra trên hệ thống cũng như kịp thời tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động, cần có một đội ngũ quản trị, vận hành hệ thống, do đó yêu cầu về nhân sự là cấp thiết trong khi nguồn nhân lực của đơn vị chủ trì thuê dịch vụ là giới hạn.

“Đây là hệ thống quan trọng vì đảm nhiệm vai trò luân chuyển văn bản điện tử, dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước các cấp. Nếu không có đơn vị cung cấp dịch vụ quản trị, vận hành, giám sát thường trực khi phát sinh sự cố dẫn đến mất khả năng kết nối, liên thông sẽ không đảm bảo được tính liên tục, sẵn sàng, ổn định của hệ thống phục vụ cho hoạt động của các cơ quan hành chính. Do đó, việc thuê dịch vụ CNTT sẽ bảo đảm hệ thống được quản trị, vận hành ổn định và thông suốt bởi nhà cung cấp dịch vụ. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ trọn gói sẽ có rất nhiều ưu điểm so với hình thức đầu tư và Chủ đầu tư tự quản lý hệ thống”, VPCP phân tích.

VPCP cũng nhấn mạnh: “Từ những yêu cầu trên cho thấy nhu cầu thuê dịch vụ CNTT là một phương án tối ưu để xây dựng, phát triển, quản trị  và vận hành hệ thống thông suốt và cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ theo đúng tinh thần của Quyết định 80 năm 2014 của Thủ tướng Chính  phủ  quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước. Đội ngũ nhân sự của nhà cung cấp dịch vụ là một đội ngũ chuyên nghiệp hiểu biết sâu về phần mềm, hệ thống phần cứng và công tác vận hành hệ thống trục liên  thông và có đủ trình độ cũng như kỹ năng để xử lý các sự cố của hệ thống một cách nhanh và an toàn nhất”.

Mục tiêu thuê dịch vụ CNTT đối với dự án “Xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia” là nhằm xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương; tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp; đồng thời thúc đẩy và nâng cao vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

 (Nguồn: Ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây