SharePoint
Liên kết web
 
 

Cần cân nhắc thêm Luật An ninh mạng để tránh chồng chéo

24/11/2017 14:10
(TTCNTT) - Trong phiên thảo luận về dự án Luật An ninh mạng hôm nay, 23/11, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến cho rằng cần tiếp tục cân nhắc, rà soát thêm để tránh chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng đã có.

Ngày 23/11, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự án Luật An ninh mạng. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Thảo luận tại phiên họp, ngoài ý kiến tán thành của các đại biểu về sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng đặc biệt là trong tình hình hiện nay thì nhiều đại biểu có ý kiến cho rằng cần cân nhắc về sự cần thiết ban hành Luật này bởi việc bảo vệ thông tin mạng đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng. Do đó, Ban soạn thảo cần phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như những quy định của 2 luật này để có cơ sở làm rõ hơn về nội hàm của Luật An ninh mạng.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - TP Đà Nẵng đưa ý kiến: "Tờ trình của Chính phủ có nêu ra 10 lý do cần xây dựng ban hành Luật An ninh mạng. Nhưng theo tôi những lý do này chưa thuyết phục. Các lý do 1, 2, 3 là những lý do thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, lĩnh vực này đã có Luật An ninh quốc gia điều chỉnh. Mạng chỉ là phương tiện, là không gian có khả năng diễn ra hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, nếu nói là cần phải có riêng 1 luật về an ninh mạng thì an ninh trong nhiều lĩnh vực khác như an ninh hàng không, an ninh lương thực, an ninh môi trường v.v. cũng phải được điều chỉnh bằng luật riêng. Nếu nói về lĩnh vực bảo vệ thông tin mạng thì điều này đã được quy định ở trong Luật An toàn thông tin mạng.

"Các quy định của 2 luật nói trên đã bao quát vấn đề an ninh mạng. Giả sử 2 luật còn bỏ sót những quy định nào đó thì có thể rà soát để bổ sung, không cần ban hành thêm một luật."

"Mặt khác, khái niệm hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia quy định tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật An ninh mạng trùng lặp với khái niệm hệ thống thông tin quan trọng quốc gia quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật An toàn thông tin mạng và không nằm ngoài hệ thống phân loại cấp độ thông tin quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật An toàn thông tin mạng. Từ những điều đã trình bày ở trên, tôi đề nghị Chính phủ và Quốc hội cân nhắc kỹ xem có cần thiết phải ban hành một luật riêng về an ninh mạng hay chỉ cần sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành như Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng".

Cùng ý kiến, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – An Giang cho rằng: "Tôi nhận thấy các biện pháp bảo vệ an ninh mạng do luật đề ra có nhiều điểm tương tự như Luật An toàn thông tin mạng. Do đó, tôi xin đề xuất với Quốc hội chúng ta nên bổ sung và hoàn chỉnh các bộ luật đã có. Nên tăng cường quản lý mạng xã hội bằng các Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Tiếp cận thông tin để ngăn chặn các tin tức giả, quảng cáo hướng mục tiêu vào sự thao túng của các nhóm đối tượng xã hội đối với hoạt động mạng xã hội. Chúng ta nên làm biện pháp khác như tăng cường mức phạt, ví dụ như ở Đức có mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu Euro với các tin tức giả. Hay đề xuất các yêu cầu công khai về thông tin, những người mua quảng cáo trên lĩnh vực liên quan đến chính trị trên mạng xã hội".

Trong khi đó, Đại biểu Phan Văn Tường - Thái Nguyên thì cho rằng thay vì xây dựng Luật mới thì nên xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thông tin mạng với tên gọi là Luật An ninh thông tin mạng vừa đảm bảo thống nhất sử dụng một bộ luật thuận lợi khi áp dụng, phù hợp với yêu cầu hội nhập và khắc phục được những tồn tại như trong Tờ trình của Chính phủ.

Ngoài ra, một vấn đề khác được các Đại biểu Quốc hội quan tâm đó chính là chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho nhiệm vụ an ninh mạng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang- tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin như mạng internet, mạng viễn thông, hệ thống máy tính, hệ thống xử lý thì yếu tố con người có tính quyết định. Theo đại biểu, cần phải có đội ngũ chuyên gia, trình độ chuyên sâu về công nghệ thông tin mới bảo vệ an ninh mạng, trước những tấn công mạng, gây phương hại đến an ninh quốc gia. Đại biểu lo lắng, so với các nước phát triển thì các nước trong khu vực chênh lệch trình độ khoa học, công nghệ nước ta còn khoảng cách khá lớn, có nguy cơ ngày càng tụt hậu như trong lĩnh vực quốc phòng, trong khi đó các nước phát triển đã làm chủ công nghệ chiến tranh điện tử, các phương tiện, vũ khí tác chiến bằng điện tử. Do vậy, cần xác định rõ tầm quan trọng của đội ngũ khoa học, công nghệ đối với xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần có chính sách rõ hơn để ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT, nhất là các chuyên gia về an ninh mạng trong các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Thanh Hóa cũng góp ý: “Đề nghị nghiên cứu, bổ sung các chính sách về an ninh mạng như chính sách bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh mạng. Chính sách phát triển nguồn nhân lực như: Chế độ, chính sách đặc thù đối với lực lượng chuyên trách về an ninh mạng để thu hút những chuyên gia giỏi công tác với lực lượng chức năng để bảo vệ an ninh mạng. Đồng thời, có quy định về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng an ninh mạng và nhiệm vụ cụ thể của lực lượng an ninh mạng nhằm quản lý chặt chẽ, tránh việc sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ vào các hoạt động xâm phạm lợi ích, an ninh trật tự của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Ngoài ra, trong góp ý để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát lại nội dung, bố cục của Luật để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung; tính phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, công dân, cũng như quyền bình đẳng trong hoạt động giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước, khuyến khích các doanh nghiệp CNTT, viễn thông nước ngoài sang đầu tư, hợp tác và cung cấp các dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.

 (Nguồn: ictnews.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây