SharePoint

Chuyển đổi số để bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản

10/11/2022 09:41
CĐS- Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, số hóa tiến tới chuyển đổi số di sản được coi là xu hướng tất yếu. Ðây cũng là giải pháp căn cốt để tối ưu hóa khả năng lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng bền vững. Song, để thực hiện công tác này một cách đồng bộ nhằm tạo thuận lợi trong khai thác, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số về di sản, các bộ, ngành liên quan cần vào cuộc quyết liệt.

Du khách trải nghiệm dịch vụ giải trí sử dụng công nghệ thực tế ảo VR3D tại Di tích Cố đô Huế. (Ảnh Duy Đăng)

Thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số di sản, nhiều địa phương, đơn vị sở hữu di sản bước đầu có những nỗ lực trong tiếp cận các thành quả công nghệ mới để tạo ra giá trị gia tăng cho di sản.

Cầu nối đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, những năm gần đây, hàng loạt hoạt động ứng dụng công nghệ trong trưng bày, kết nối du khách với hiện vật đã được thực hiện như: các trưng bày ảo về chủ đề Việt Nam thời tiền sử, văn hóa Ðông Sơn, bảo vật quốc gia…; các tour tham quan trực tuyến "Về thời Hồng Bàng", "Văn hóa Ðại Việt thời Lý Trần", "Việt Bắc-Thủ đô gió ngàn"... được đẩy mạnh trong giai đoạn đại dịch Covid-19 thông qua các nền tảng Zoom, Google Meet… Tại Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai app hướng dẫn tham quan Di tích Huế, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code giúp du khách nhìn ngắm, tìm hiểu hiện vật bằng tương tác 3D; Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều cuộc triển lãm 3D giới thiệu các di tích, hiện vật gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh… Thanh Hóa cũng áp dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường trên ứng dụng điện thoại thông minh để tái hiện sinh động Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thành nhà Hồ… Chuyển đổi số đã góp phần mang đến những trải nghiệm khác biệt, tạo cầu nối để đưa những thông tin, giá trị di sản đến gần hơn với du khách và người dân.

Theo số liệu từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, cùng 123 di tích quốc gia đặc biệt, 3.591 di tích quốc gia, 417 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và hơn 4 triệu hiện vật đã đăng ký kiểm kê tại 187 bảo tàng trên cả nước. Ðây chính là tiềm năng di sản rất lớn mà nếu được số hóa đồng bộ sẽ mở rộng không gian tương tác của di sản, gia tăng hiệu quả bảo tồn, khai thác bền vững giá trị di sản, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, du lịch…

Tại Quyết định số 942/QÐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu mục tiêu đến năm 2025, mỗi di sản của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản đồ di sản số để người dân, khách du lịch có thể truy cập thuận lợi trên môi trường số. Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt theo Quyết định số 2026/QÐ-TTg ngày 2/12/2021, đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa… Ðiều này khẳng định, số hóa di sản văn hóa là chủ trương được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đẩy mạnh. Tuy nhiên, muốn liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả các dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi, cần xác định rõ những vướng mắc cụ thể trong quá trình chuyển đổi số di sản ở từng đơn vị, địa phương để tìm cách khắc phục.


Du khách sử dụng bộ đàm thuyết minh tự động khi tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. (Ảnh Hà Thu)

Hình thành kho dữ liệu quốc gia về di sản số

Chia sẻ tại Hội nghị-Hội thảo "Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch" vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho hay: Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng vẫn chưa được coi là nhiệm vụ cần thiết được quy định trong Luật Di sản văn hóa nên chưa có những quy định cụ thể về đầu tư công cho lĩnh vực này. Là tổ chức phi lợi nhuận, thông thường các bảo tàng không có đủ kinh phí để ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ hiện đại, vì vậy phải kêu gọi sự ủng hộ, hợp tác từ các đối tác bên ngoài. Song đến nay vẫn chưa có quy định, chính sách về hợp tác công-tư cũng như cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa. Các dự án xã hội hóa do đó chưa có nhiều, và không phải mô hình hợp tác nào cũng hiệu quả, mang tính bền vững.

Từ thực tế thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa di sản trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cũng cho biết, việc triển khai nhiệm vụ này phải đối mặt nhiều khó khăn về việc xây dựng, xác định các nội dung di sản văn hóa cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số; việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa; việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung chuyển đổi số; bên cạnh đó là thách thức về kinh phí thực hiện, về bảo đảm chất lượng đội ngũ nhân lực thạo công nghệ, đủ năng lực…

"Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa mới chỉ dừng ở mức tiếp cận ban đầu như số hóa các dữ liệu, tư liệu hiện vật dưới dạng thông tin, bản chụp hình ảnh, một số công trình di tích, cổ vật, bảo vật đã được số hóa, quét hình ảnh 3D nhưng rất ít, mới chỉ mang tính thử nghiệm, chưa có mô hình chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực văn hóa di sản" - ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh. Ðứng từ góc độ quản lý Nhà nước, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền nhận định: Việc xây dựng kho dữ liệu số về di sản chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và bền vững, chưa tính đến việc liên kết dữ liệu để cùng khai thác đáp ứng nhu cầu phát triển; phần mềm dùng chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; cơ sở dữ liệu được xây dựng và vận hành độc lập với ứng dụng công nghệ khác nhau, được quản lý và khai thác riêng, chưa có sự liên kết và phân cấp quản lý, khai thác…

Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng, muốn thực hiện mục tiêu hình thành bản đồ di sản số, cần sớm có cơ chế, chính sách và quy định liên quan về định mức tài chính để các địa phương, đơn vị có thể từng bước chủ động thực hiện chuyển đổi số. Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Hà, cần xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản văn hóa số, về ứng dụng công nghệ trong việc số hóa thông tin; ban hành các quy định chuẩn hóa hệ dữ liệu hiện vật để các đơn vị có thể thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin một cách thuận lợi, hiệu quả; đồng thời xây dựng cơ chế khai thác và sử dụng thông tin đối với các đơn vị quản lý di sản văn hóa. Bà Huỳnh Phương Lan, Viện Bảo tồn Di tích cho rằng: Xuất phát từ nhu cầu quản lý, bảo tồn, cần xác định phương pháp số hóa thích hợp nhất đối với từng loại hình di sản trên cơ sở những kỹ thuật số hóa hiện có và khả năng về kiến thức, chuyên môn, trang thiết bị, nguồn lực tài chính. Các tiêu chí để lựa chọn giải pháp số hóa bao gồm các tiêu chí về niên đại, giá trị kiến trúc, nghệ thuật. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, khai thác di sản cần được thực hiện theo lộ trình bài bản, khoa học, có sự phối hợp linh hoạt giữa các địa phương, bộ, ngành. Nhà nước cần đầu tư các nền tảng công nghệ lõi mang tính xương sống, cơ bản để doanh nghiệp, xã hội, địa phương có thể dựa trên đó hoàn thiện, đồng bộ và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ; ban hành chính sách đa dạng hóa nguồn vốn, tạo điều kiện xã hội hóa nguồn tài chính để ứng dụng công nghệ... Cùng với đó là đầu tư phát triển nguồn lực con người. Bên cạnh đội ngũ có trình độ chuyên môn về khảo cổ, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cần đào tạo một đội ngũ nhân lực công nghệ riêng, có khả năng nắm bắt, thực hành các thành tựu, xu hướng mới của công nghệ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải xác định, trước mắt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tổng kiểm kê di sản văn hóa để cung cấp nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào. Trên cơ sở đó, lựa chọn các lĩnh vực quan trọng, có điều kiện thuận lợi, khả năng kinh phí đáp ứng được để thực hiện chuyển đổi số trước, ưu tiên số hóa các di sản đã được UNESCO ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt, hệ thống di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðại diện Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel nhấn mạnh: Dữ liệu số về di sản là một loại dữ liệu mới, nên việc quản lý, khai thác dữ liệu này luôn phải đồng hành với các giải pháp công nghệ trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật là các trung tâm dữ liệu được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng hoạt động ổn định, liên tục, tuân thủ các nguyên tắc của khoa học lưu trữ trong việc bảo hiểm tài liệu di sản số. Các dữ liệu di sản số khi trao đổi trên môi trường mạng có thể phải đối mặt với các phương thức tấn công ngày càng tinh vi, phức tạp như bị lấy cắp, truy cập trái phép, làm sai lệch hoặc giả mạo, nên đòi hỏi các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cùng các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác bảo quản, bảo hiểm dữ liệu, có thể phục hồi khi có rủi ro...

(Nguồn: nhandan.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây