Một triển lãm về nhiếp ảnh nghệ thuật tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA).
Sự xuất hiện của điện thoại thông minh và công nghệ số khiến hàng tỷ bức ảnh xuất hiện mỗi ngày, mở thêm cơ hội cho nhiếp ảnh phát triển rộng rãi đến công chúng.
Vị trí của nhiếp ảnh nghệ thuật
Trong bối cảnh các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, nhiếp ảnh ngày càng có vị trí quan trọng trong thời trang, ẩm thực... Dù có một cộng đồng thực hành nhiếp ảnh đông đảo và rầm rộ, nhưng quan niệm về nhiếp ảnh ở nước ta vẫn chưa hoàn toàn vượt qua khuôn khổ cũ. Trong thế chân kiềng với nhiếp ảnh tài liệu và thương mại, nhiếp ảnh nghệ thuật (mỹ thuật) đang bị lấn át và chưa được coi trọng. Sự khập khiễng này đang cản trở sự ra đời một thị trường ảnh nghệ thuật đúng nghĩa cũng như sự phát triển của ảnh nghệ thuật ở Việt Nam. Vấn đề này thể hiện sự khuyết thiếu rõ nét ngay trong hệ thống giáo dục, đào tạo và bảo tàng.
Giới nghiên cứu và thực hành nhiếp ảnh cho rằng, Việt Nam chưa có bảo tàng về nhiếp ảnh nghệ thuật-nơi tập trung các nghiên cứu về nhiếp ảnh. Cũng rất ít phòng trưng bày hỗ trợ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư triển lãm ảnh nghệ thuật, cho nên gần như không có nhiều hoạt động thương mại hóa, mua bán, giao dịch các tác phẩm nhiếp ảnh.
Bên cạnh đó, ngành nhiếp ảnh hiện nay đang được đào tạo tại Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, Khoa Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền… chủ yếu là mảng ảnh tư liệu, còn nhiếp ảnh được giảng dạy như một bộ môn sáng tạo hay nghệ thuật còn rất hạn chế. Duy nhất tại Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế), bộ môn nhiếp ảnh sáng tạo được đưa vào giảng dạy khoảng 10 năm trở lại đây, là một trong ba phân môn chính của ngành tạo hình đa phương tiện (gồm: nhiếp ảnh sáng tạo; video art-nghệ thuật thu và phát hình ảnh động; và nghệ thuật sắp đặt).
Là người thực hành nhiếp ảnh lâu năm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn đồng thời là giảng viên Khoa các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, ở Việt Nam, rất hiếm tác phẩm nhiếp ảnh được trưng bày trong các bảo tàng mỹ thuật. Có thể nói, nhiếp ảnh chưa chính thức được gọi là bộ môn nghệ thuật, chung sân với các chất liệu nghệ thuật khác. Theo sự quan sát trong 20 năm thực hành nhiếp ảnh, nghệ sĩ cho rằng nhiếp ảnh vẫn chỉ được coi làm tài liệu, ghi chép cho các hình thức nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc. Xếp sau ảnh tư liệu, ảnh thương mại, lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật chưa được đào tạo chính thức tại Việt Nam.
Khái niệm mỹ thuật truyền thống vốn chỉ gồm hội họa và điêu khắc. Dần dần sự xuất hiện của nhiều phương tiện và kỹ thuật mới cùng các hình thức nghệ thuật đương đại khiến khái niệm mỹ thuật được mở rộng, bao gồm nghệ thuật thị giác hoặc nghệ thuật tạo hình, trong đó có nhiếp ảnh. Điều này khẳng định nhiếp ảnh trở thành một phần không thể tách rời cuộc sống hằng ngày và cần được nhìn nhận như một phương tiện sáng tạo nghệ thuật mang thông điệp và giá trị thẩm mỹ.
Nhiếp ảnh cần phải được thừa nhận như một loại hình nghệ thuật và là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật. Đây không phải câu chuyện riêng lẻ của lĩnh vực quản lý hay cá nhân thực hành, mà là vấn đề có tính chất tổng thể về đào tạo và định hướng tư duy trong phát triển sản phẩm nhiếp ảnh gắn với việc tạo ra giá trị mới trong quan niệm thẩm mỹ, hướng tới cộng đồng. Việc giảng dạy nhiếp ảnh nghệ thuật vào hệ thống cơ sở giáo dục bậc cao là vô cùng cần thiết.
Đào tạo cử nhân nghệ thuật thị giác
Nhiếp ảnh ngày càng phổ cập và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Không khó để người yêu thích nhiếp ảnh có thể tiếp cận tài liệu nhiếp ảnh, làm chủ các kỹ thuật cơ bản về chụp ảnh qua các khóa học ngắn hạn, thậm chí những kỹ năng chụp ảnh bằng điện thoại thông minh với vài thao tác đơn giản. Bất cứ ai cũng có thể và ngay lập tức sáng tác nên các bức ảnh. Tuy nhiên, nhiếp ảnh nghệ thuật phải được đào tạo ở bậc đại học bởi tính mục đích của việc thực hành.
Giảng viên Khoa Nhiếp ảnh, Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, Đồng Hiếu cho rằng, nếu nhìn nhận nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật, việc đào tạo bài bản ở trình độ đại học và sau đại học là cần thiết. Để thực hành và sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, ngoài yếu tố năng khiếu, người thực hành cần xây dựng cho mình khối kiến thức nền tảng và kỹ thuật chuyên sâu về nhiếp ảnh nghệ thuật.
Ông Phan Lê Chung - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế), nơi duy nhất tại Việt Nam hiện đang đào tạo bậc cử nhân môn nhiếp ảnh sáng tạo (sinh viên có thể tốt nghiệp bằng tác phẩm nhiếp ảnh, video art hoặc nghệ thuật sắp đặt) chia sẻ: Trường đại học Nghệ thuật đã manh nha đào tạo môn nhiếp ảnh nghệ thuật từ năm 2011. Sau hai năm hoàn thiện chương trình giảng dạy, năm 2013, trường mới đưa vào giảng dạy, có mã ngành đào tạo (cùng hai phân môn khác là video art và nghệ thuật sắp đặt).
Là một trong những người đầu tiên hỗ trợ Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) xây dựng chương trình nhiếp ảnh nghệ thuật và được mời giảng dạy bộ môn này từ những năm đầu, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn bày tỏ sự hứng khởi khi Khoa các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đang xây dựng chương trình đào tạo cử nhân nghệ thuật thị giác trong thời gian tới, trong đó nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc trở thành hợp phần quan trọng cấu thành chương trình này.
Trong bối cảnh nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam đang vướng từ khâu đào tạo đến phát triển thị trường, việc đưa nhiếp ảnh nghệ thuật nằm trong thiết chế chuyên nghiệp tại các bảo tàng, phòng trưng bày, hội chợ hay triển lãm nghệ thuật và được chấp nhận trong hệ thống đào tạo chính quy là vô cùng cấp thiết. Bởi vì, có như vậy mới đào tạo được đội ngũ thực hành nhiếp ảnh, giám tuyển nhiếp ảnh, tư vấn nghệ thuật, nhà phê bình, sử gia nghệ thuật… phù hợp xu thế phát triển của thế giới, bắt nhịp với thị trường nhiếp ảnh nói chung và thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật trong nước nói riêng, đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật, công nghệ và nghệ thuật.
Cho đến khi thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật được xác lập thật sự và đúng nghĩa, cần phải thu hẹp khoảng cách tương đối lớn trong nhận thức và hành động về nhiếp ảnh, từ cơ quan quản lý, hệ thống giáo dục, đào tạo đến cá nhân thực hành…