SharePoint

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2022

05/09/2022 09:05
CĐS- Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, Trung tâm Công nghệ thông tin – đơn vị chuyên trách về CNTT và ATTT của Bộ VHTT&DL đã phát động chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng đến tất cả các đơn vị thuộc Bộ.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại và Công văn của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông tin về việc triển khai chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2022, Trung tâm Công nghệ thông tin đã phát động triển khai chiến dịch làm sạch mã độc nhằm giúp các cơ quan, đơn vị trong Bộ loại bỏ, xử lý mã độc trên các máy tính, thiết bị của mình, hướng tới mục tiêu tiếp tục giảm tỷ lệ lây nhiễm mã độc tại Việt Nam.

Trung tâm đã hướng dẫn các  đơn vị phát động chiến dịch đến toàn bộ đơn vị trong phạm vi quản lý, truyền thông về nguy cơ khi sử dụng phần mềm bẻ khóa, không bản quyền và khuyến nghị sử dụng công cụ hỗ trợ xử lý mã độc của Cục An toàn thông tin đến từng người dùng cá nhân trong đơn vị. Ngoài ra, các đơn vị cần chủ động giám sát, kiểm tra và xử lý các máy tính, thiết bị phát sinh kết nối đến các địa chỉ độc hại thông qua các địa chỉ IP, tên miền độc hại thông qua công cụ “Kiểm tra mã độc mức mạng” tại địa chỉ: https:/khonggianmang.vn/chiendichmadoc2022.

Để đảm bảo cho việc liên thông kết nối về trung tâm quản lý của Bộ và kết nối tới Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định, Trung tâm CNTT cũng đã đề nghị các đơn vị cài đặt phần mềm an toàn thông tin của Bộ để đảm bảo công tác quản lý & báo cáo thống kê với Chính phủ.

Theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT những năm gần đây cho thấy, mức độ sử dụng máy tính và các thiết bị kết nối mạng tại Việt Nam tăng đột biến và là nguyên nhân để các loại mã độc bùng phát, lây lan mạnh. Ngoài tình trạng các thiết bị kết nối mạng của Việt Nam nằm trong các mạng botnet đã diễn ra từ lâu, gần đây xảy ra nhiều cuộc tấn công mạng bắt nguồn từ việc các website, máy chủ, địa chỉ IP của Việt Nam tham gia vào hạ tầng điều khiển các mạng máy tính ma (botnet) và phát tán mã độc.

Cũng theo thống kê, nhiều người dùng Internet tại Việt Nam vẫn có thói quen dùng phần mềm bẻ khóa hoặc phần mềm không bản quyền, dẫn tới việc máy tính, thiết bị của họ không được bảo vệ liên tục và rất dễ bị nhiễm mã độc do phần mềm bẻ khóa thường cài cắm sẵn mã độc một cách có chủ đích.

Tuấn Minh

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây