Tại Việt Nam với lợi thế dân số đông và trẻ, kinh tế số đang đóng góp vào tốc độ phát triển kinh tế chung của cả nước
với các mô hình kinh tế chia sẻ phương tiện giao thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục từ xa, thương mại điện tử...
Kinh tế số Việt Nam vẫn tiềm năng
Theo kết quả phân tích 12 nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Access Partnership Analytics, các quốc gia được khảo sát chỉ khai thác thành công 30% tiềm năng của nền kinh tế số. Phân tích của tổ chức này được thực hiện với dữ liệu thu thập tại Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Pakistan, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Kết quả cho thấy, quy mô nền kinh tế số của các quốc gia này là 586 tỷ USD, trong khi nếu khai thác hết tiềm năng, lợi ích từ kinh tế số mang lại có thể lên đến 1.400 tỷ USD.
Với riêng Việt Nam, chúng ta chỉ có 10% GDP gắn liền với nền kinh tế số. Quy mô nền kinh tế số Việt Nam hiện là 7 tỷ USD, chiếm 17,5% so với tiềm năng.
Báo cáo của Access Partnership Analytics cũng đưa ra dự đoán, nếu khai thác được đầy đủ lợi ích của kinh tế số, 12 quốc gia trong khu vực có thể kiếm thêm được tổng cộng 2.200 tỷ USD vào năm 2030. Với Việt Nam, tiềm năng kinh tế số nếu được khai thác triệt để sẽ là 91 tỷ USD vào năm 2030.
Access Partnership Analytics đưa ra nhận định, Việt Nam đang ở mức độ sẵn sàng cao trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng số, nhưng năng lực cung cấp dịch vụ phải cải thiện hơn, trong khi các chỉ số về cạnh tranh và yếu tố chính sách vẫn dừng lại ở mức độ tiềm năng.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek và Bain & Company phát hành tháng 10/2022, kinh tế số của 6 nước ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, dự đoán tăng trưởng 6% mỗi năm. Báo cáo chỉ ra kinh tế số trong khu vực có thể đạt 1.000 tỷ USD năm 2030.
Dù vậy, hành trình “nghìn tỷ” này tồn tại nhiều thách thức kìm hãm tăng trưởng, từ khoảng cách nông thôn – thành thị đến “xóa mù kỹ thuật số” còn thấp. Đây là nhận định của Anthony Toh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore). Theo ông Toh, Singapore là quốc gia ASEAN số hóa nhiều nhất.
Báo cáo Chỉ số hội nhập kỹ thuật số ASEAN chỉ ra các chỉ số hội nhập kỹ thuật số của Singapore và Malaysia khá tốt, còn Brunei, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam thiếu một hoặc vài chỉ số.
Các chỉ số trong báo cáo bao gồm bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, thanh toán số, kỹ năng số, đổi mới, doanh nhân, khả năng sẵn sàng về hạ tầng. Campuchia, Lào và Myanmar đạt điểm dưới trung bình ở tất cả chỉ số.
Cần tìm giải pháp để thúc đẩy kinh tế số
Phát triển kinh tế số được nhiều quốc gia xem như là một xu thế tất yếu của Cách mạng 4.0. Tại Việt Nam với lợi thế dân số đông và trẻ, kinh tế số đang đóng góp vào tốc độ phát triển kinh tế chung của cả nước với các mô hình kinh tế chia sẻ phương tiện giao thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục từ xa, thương mại điện tử...
Tại cuộc họp của Chính phủ ngày 4/5/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, về phát triển kinh tế số thì 70-80% là chuyển đối số các ngành, là kinh tế số của các ngành, ngành TT&TT chỉ chiếm 20-30% kinh tế số về dài hạn. Hết quý I/2023, ước kinh tế số của Việt Nam chiếm 14,6% GDP và đang có tốc độ tăng tốt. Đến hết năm 2023, kinh tế số của Việt Nam có thể sẽ chiếm trên 17% GDP và mục tiêu kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 chắc chắn sẽ khả thi. Thậm chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu có giải pháp thúc đẩy tốt, kinh tế số có thể thể đạt 25% GDP. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các bộ, ngành thúc đẩy phát triển kinh tế số để góp phần tăng trưởng GDP.
Từ cuối tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ TT&TT là cơ quan được giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số.
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 4/2023 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phát triển kinh tế số. Tăng trưởng kinh tế số ở Việt Nam và một số nước trong khu vực hiện gấp từ hơn 2 đến 3 lần GDP, là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Phát triển kinh tế số, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phải dựa trên 3 trụ cột gồm: Quản trị số; khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị cho nền kinh tế; các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó lõi là ICT chiếm 20% và 80% là kinh tế số ngành, được sinh ra là do chuyển đổi số ngành đó.
Thực tế hiện nay, trong 3 trụ cột kể trên, quản trị số và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị còn chưa được chú ý. Kinh tế số ngành chưa được phát triển đúng mức, ICT dù là động lực phát triển kinh tế số ngành nhưng cũng chưa có hướng dẫn để thúc đẩy nhằm tạo động lực phát triển.
Chia sẻ về kinh tế số của Việt Nam trước đó, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ Chủ tịch VINASA nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế Internet, đặc biệt là các nền tảng chuyển đổi số, trong kinh tế số.
Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng, đây là những mục tiêu vô cùng thách thức và cần sự quyết tâm vào cuộc của tất cả đối tượng, tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội
để thúc đẩy nền kinh tế Internet,đặc biệt là các nền tảng chuyển đổi số, trong kinh tế số.
Các bộ ngành đang nỗ lực chuyển đổi số hướng đến mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%, từ nay đến 2025. Người đứng đầu VINASA chia sẻ, có những ngành khá thuận lợi, có những ngành nghề lại vô cùng khó khăn. Do vậy công tác chuyển đổi số phải lấy sự đoàn kết, lấy sự chia sẻ, sự kết nối làm trọng tâm. Cũng giống như chương trình chuyển đổi số quốc gia đã chọn người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Người dân, doanh nghiệp và chúng ta cần phải có sự hợp lực, đoàn kết để cùng chung tay thực hiện mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế số phát triển.
"Dữ liệu một lần nữa sẽ mở ra một cơ hội phát triển cho Việt Nam ta, một quốc gia có hơn 100 triệu dân, với số lượng doanh nghiệp rất đông và đang tăng trưởng rất nhanh trong thời gian vừa qua. Để phát triển kinh tế số nhanh chóng cần hợp lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Khoa nói.
(Nguồn: vietnamnet.vn)